Phụ nữ Ea Kmút liên kết nuôi gà đẻ trứng

Phụ nữ Ea Kmút liên kết nuôi gà đẻ trứng

    Câu lạc bộ (CLB) “Nuôi gà đẻ trứng” của phụ nữ thôn 3 (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) đã cung cấp một lượng trứng ổn định ra thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia.

    Nhận thấy việc chăn nuôi gà của các hộ dân trên địa bàn xã còn manh mún, nhỏ lẻ, chỉ nuôi theo kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao, năm 2015, chị Lê Thị Thu Hương (thôn 3) đã vận động nhiều chị em trong thôn liên kết với nhau để nuôi gà đẻ trứng. Tham gia vào CLB, các thành viên có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi và chăm sóc gà, được hỗ trợ giống và ngày công lao động, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hằng năm, mỗi thành viên đóng góp một triệu đồng để có kinh phí duy trì hoạt động của CLB, cũng như giúp đỡ các thành viên khó khăn có thêm vốn đầu tư. Ngoài ra, các thành viên đều phải tuân thủ đầy đủ các quy trình để cho ra sản phẩm trứng sạch, đạt chất lượng; đồng thời phải cân đối quy mô chăn nuôi theo từng năm, đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường, tránh tình trạng dư thừa.

                                                            

                                                                                        Chị NGUYỄN THỊ LOAN thu hoạch trứng gà
    Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Loan chỉ nuôi 100 con gà đẻ trứng, mặc dù lượng trứng không nhiều nhưng do phụ thuộc vào sức mua của thương lái nên giá cả bấp bênh. Từ khi tham gia vào CLB “Nuôi gà đẻ trứng”, chị không còn phải lo đầu ra cho trứng gà nữa. Trong quá trình nuôi, ngoài việc cho gà ăn đủ chất, uống nước sạch, xây dựng chuồng trại quy củ, dùng vôi để khử trùng, chị Loan còn kết hợp nuôi nhốt với thả vườn để giúp đàn gà khỏe mạnh, có sức đề kháng. Hiện gia đình chị đang nuôi 1.300 con gà ri đẻ trứng, bình quân mỗi ngày cung cấp cho lò ấp khoảng 500 quả trứng. Với giá bán 5.000 đồng/trứng như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mới đây, chị được vay 13 triệu đồng từ nguồn quỹ của CLB để mở rộng khu chuồng trại, nuôi thêm 800 con gà. Theo chị Loan, gà ri và lai chọi là hai giống được các chị em chọn nuôi nhiều nhất vì chúng có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, lại được thị trường ưa chuộng. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, gà sẽ đẻ trứng đúng thời điểm, cho năng suất trứng cao, chất lượng tốt.Vốn là một bác sĩ thú y, thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, chị Hương đã hướng dẫn các thành viên trong CLB cách chăm sóc, tiêm vắc xin, vệ sinh chuồng trại theo đúng kỹ thuật giúp đàn gà sinh trưởng tốt, tỷ lệ đẻ trứng đạt yêu cầu. Để có giống gà tốt, khỏe mạnh, chị Hương đã ra tận Viện Chăn nuôi ở Hà Nội đặt mua con giống, đồng thời tìm đến các lò ấp trên địa bàn huyện để tìm đầu ra cho sản phẩm trứng của CLB. Toàn bộ quy trình từ lúc nuôi đến khi xuất bán ra thị trường đều được giám sát chặt chẽ nên đàn gà của các thành viên đều khỏe mạnh, trứng đạt năng suất và bán được giá cao.

                                                       

    Thành viên Câu lạc bộ “Nuôi gà đẻ trứng” chăm sóc đàn gà của gia đình.

    Mô hình câu lạc bộ nuôi gà đẻ trứng của chị em phụ nữ ở thôn 3 đã góp phần thay đổi nhận thức chăn nuôi của nhiều hộ dân, có ý nghĩa tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tại địa phương. Hiện CLB có 18 thành viên tham gia, với quy mô chăn nuôi mỗi hộ từ 500-4.000 con gà, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 15.000 quả trứng. Trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục vận động nhiều thành viên tham gia để giúp nhau phát triển kinh tế.

    Chị Tống Thị Chiến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 3 cho biết: “Để CLB hoạt động có hiệu quả và mang tính bền vững, thì các thành viên cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn, kiến thức thị trường… từ các cấp, ban ngành".

    Tuyết Mai (Báo Đaklak)

    Zalo
    Hotline